Ông Ba Đợi (Nhạc sư Nguyễn quang Đại)
Trích trong bài nghiên cứu (LƯỢC KHẢO HÌNH THÀNH BÀI BẢN ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ) của Nhạc sĩ Tấn Nhì
Lớn lên trong cái nôi đờn ca của miệt Cần Giuộc, Cần Đước và hơn 70 năm đam mê với thú cầm ca, sự hiểu biết của tôi về Đờn Ca Tài Tử vẫn còn cạn hẹp, phần nhiều là biết lỏm bỏm qua những lời truyền tụng của các bậc tiền bối trong nghề, đặc biệt trong đó nhạc sư Nguyễn Văn Thinh tức giáo Thinh, nguyên giám học trường Quốc Gia Âm Nhạc – Kịch Nghệ Sài Gòn và học trò của ông là nhạc sĩ Võ Tấn Hưng tức Năm Hưng, tác giả quyển Cổ Nhạc Tầm Nguyên, đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quí báu, để tôi viết lên bài Lược Khảo Lịch Sử Hình Thành Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ nầy.
Khoảng trên 300 năm trước, trong những ngày đầu, người Việt Nam theo dòng nam tiến, đi khai hoang lập ấp ở đất Nam Bộ. Trong số lưu dân, cũng có người ham thích đờn ca xướng hát, mang theo từ quê nhà vài thứ nhạc khí gọn nhẹ, khi rổi rãnh, họp nhau vui chơi các giọng điệu Âm Nhạc Cổ Truyền, ai biết gì chơi nấy, dân Miền Bắc chơi điệu miền bắc, dân Miền Trung chơi điệu miền trung, nhưng chắc chắn là những bài bản ngắn gọn, đơn giản, dễ ca, dễ đờn, dễ thuộc lòng như Hò, Vè, Lý, v,v…Như vậy, cách chơi đờn ca bài bản đơn giản nầy chưa phải là chơi bài bản theo phong cách Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ.
Lần hồi cộng đồng người Việt Nam ở đất Nam Bộ càng ngày càng đông. Do nhu cầu phục vụ những ngày lễ quan, hôn, tang, tế nên bài bản Nhạc Lễ phát triển khá hoàn chỉnh. Từ lâu dân gian truyền tụng 4 ông thầy đờn vùng đất Nam Bộ là Sâm, Hồ, Ngô, Đạo nhứt dĩ quán chi, chỉ cần có được một ông là đủ để hơn thiên hạ rồi. Câu nầy có lẽ nói về các thầy đờn dạy bài bản nhạc Lễ lúc bây giờ, chớ lối chơi Bài Bản Đờn Ca Tài Tử có hệ thống hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán chưa thấy xuất hiện.
Cho mãi gần cuối Tk 19, một số học sinh, con nhà danh gia thế phiệt ở Nam Bộ ra kinh đô Huế du học, như tiến sĩ Phan Hiễn Đạo, tú tài Tôn Thọ Tường, ham mê âm nhạc nên đã học được một số bài bản của Ca Nhạc Huế như Hành Vân, Lưu Thủy, Bình Bán, Kim Tiền, Tứ Đại Cảnh, rồi về Nam Bộ đờn ca, vui chơi trong sự kín cổng cao tường, rập khuôn lối chơi Ca Nhạc Huế của các quan lại, ông hoàng bà chúa đất thần kinh, chớ chưa ai dám cải biên, chỉnh sửa, cho phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Ở giai đoạn nầy, chơi đờn ca cũng chưa được coi là chơi Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ.
Sự có mặt tại Miền Đông Nam Bộ vào năm 1885 của ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi, một nhạc công của triều đình nhà Nguyễn, là cái móc thời gian, một sự khởi đầu cho lịch sử hình thành loại hình Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ.
Ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, không thích miệt mài trong chốn văn chương khoa cử mà lại ham mê bộ môn âm nhạc và sớm trở thành một nhạc sĩ tài hoa nơi chốn kinh kỳ. Gia đình ông có một người bà con làm việc trong cung nội triều đình Huế, gởi ông vô học nghề nhạc. Qua 6 kỳ thi sát hạch, ông mới được tuyển chọn làm nhạc công của triều đình (ít nhứt trên nhạc đồ một bậc, tức nhạc công, phải rành rẽ từ 5 đến 9 nhạc cụ – suy đoán theo cách Giải Thi, triều Thiệu Trị Đệ Nhị Niên). Năm 1885, Ông đã hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi, bỏ kinh thành Huế, theo ghe bầu vào miền Đông Nam Bộ, truyền dạy bài bản Nhạc Cổ Truyền và bổ sung những khiếm khuyết trong các dạ Nhạc Lễ Nam Bộ. Ông là một nhạc sư đầy tài năng và đức hạnh, nhưng khi chết vào ngày 19 tháng giêng âm lịch (không biết năm nào) lại ở trong cảnh nghèo nàn túng thiếu, quan tài do một chiếc xe cá (xe ngựa chở cá) chở vào vùng mả hoang miệt Bình Đông – Rạch Cát của Quận 8, tới nay thì mồ xiêu mả lạc.
Năm 1995, CLB Đờn Ca Tài Tử Quận 8 lập bài vị ông, do giáo sư tiến sĩ Huỳnh Minh Đức đề bút bằng hán tự :
– Phụng Vi Quá Vãng
– Nguyễn Quang Đại Chi Hương Hồn
– Hoàng Triều Đại Nhạc Sư
– Nam Bộ Đại Nhạc Tông.
Năm 1996 Trung Tâm Văn Hóa tỉnh Long An rước bài vị nầy về thờ nơi đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, hằng năm mở lễ hội 3 ngày 16, 17, 18 tháng giêng âm lịch, tổ chức cúng tế và giao lưu trao đổi nghệ thuật đờn ca cùng các CLB. Đờn Ca Tài Tử. khắp mọi miền đất Nam Bộ.
Đất Nam Bộ ở cuối Tk. 19 và đầu Tk. 20, một khoảng không gian thích hợp thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, để nhạc sư Ba Đợi truyền dạy Nhạc Cổ Truyền cho học trò. Những cuộc khởi nghĩa trước kia lẫn phong trào Cần Vương sau nầy của các vị anh hùng dân tộc, đều lần lượt bị tan rã vì không chống nỗi với đạn đồng tàu sắt của Pháp quân. Dân chúng trở lại sống trong cảnh hòa bình , với thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ phì nhiêu, ruộng lúa trúng mùa. Lòng yêu nước vẫn còn ngún cháy trong máu trong tim của người dân Nam Bộ nên họ không ưa gì chế độ thực dân cai trị, cũng không mặn mà gì với các thú vui chơi giải trí của kẻ xâm lăng bày ra.
Dân Nam Bộ, vốn đa phần là con cháu của các ông bà tổ tiên trước kia là những lưu dân đi khai hoang lập ấp, sẵn có dòng máu ham mê đờn ca xướng hát, khi nghe tin nhạc sư Ba Đợi là một nhạc công của triều đình, được đào tạo chánh qui trong trường nhạc cung đình, vào Nam làm nghề dạy nhạc. Các nhà giàu có rất vui mừng, tranh nhau rước ông về nhà nuôi ăn nuôi ở để dạy cho con em mình học nhạc ta.
Dân nam bộ do quá trình lao động, cần cù lúc đi khai hoang lập nghiệp, chịu bao nỗi gian truân, thiếu thốn, tập cho họ cái tánh thương yêu, đùm bọc, giúp đở lẫn nhau, đối đãi giữa người giàu và người nghèo bình đẳng, chân tình, cởi mở. Nhà giàu, có tiền đi học đờn rồi về truyền dạy lại cho anh em, bè bạn, bà con lối xóm, để có được nhiều người đồng điệu tri âm cùng vui chơi với mình. Chủ điền, tá điền, người làm ruộng mướn, khi chiều xuống, nhàn rổi là tụ họp nhau lại đờn ca, tập dợt bài bản, say mê, có khi thâu đêm suốt sáng.
Nhưng Nhạc Cổ Truyền là loại nhạc có bài bản, căn cơ nhịp nhàn, có nhạc lý thâm sâu, xuất phát từ loại nhã nhạc cung đình, từ lối Ca Nhạc Huế của đất thần kinh, một loại nhạc do các bực thâm nho uyên bác sáng tạo, nhứt thời khó phổ cập trong quần chúng nhân dân.
Nhận thấy được điều đó và sẵn gặp vùng đất Nam Bộ, nay là đất thuộc địa của Pháp, không còn bị ràng buộc bởi luật lệ vua quan phong kiến, nhạc không còn dành riêng cho giới thượng lưu, ông Ba Đợi mới đem tài năng nhạc học của mình ra tự do sáng tạo, cải biên bài bản của Ca Nhạc Huế, giản dị hóa lối ấn nhịp, để tạo ra loại hình đờn ca bài bản, phù hợp với cảnh nông nhàn, tánh tình đơn giản, ngôn ngữ bộc trực của người dân nam bộ. Ông đã sáng tác và cổ vũ sáng tác bài bản, xây dựng thành loại nhạc Ngũ Cung Lòng Bản, âm vực bổng trầm, trường độ nhịp nhàn tùy chọn theo ý người đờn ca, bài bản phải học thuộc lòng rồi tâm tấu, mặc dầu bài bản viết có hơi dài, nhưng bù lại chữ đờn rất chân phương, giản dị, nhiều câu, nhiều khúc, nhiều lớp, lại thường trùng lập với nhau, dễ đờn, dễ học thuộc lòng, dễ ngẩu hứng sáng tạo theo tâm tư tình cảm của người chơi, nên đã thu hút được rất nhiều môn đệ của đủ mọi thành phần, trình độ và rất nhanh chóng gây thành phong trào Đờn Ca Tài Tử rộng khắp ở Miền Đông và còn lan sang qua Miền Tây Nam Bộ.
Ông Ba Đợi cùng nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông Nam Bộ, đã sưu tập, sáng tác, cải biên, từ thập niên cuối Tk. 19 qua những ngày đầu của Tk. 20, được 20 bản nhạc tiêu biểu cho 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán và 4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự, gọi là 20 Bản Tổ. Hơi điệu Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ chỉ có bấy nhiêu, nhưng trên 100 năm nay, mặc dầu có nhiều sáng tác mới đã lưu hành trong giới, nhưng chưa thấy có bài bản nào sáng tạo thêm hơi điệu gì mới mẽ mà còn giữ được nét đặc thù bản sắc dân tộc Việt Nam.