23/10/2017
NGƯỜI NÔNG DÂN DÁM NGHĨ DÁM LÀM
Phước Tuy là một xã không được thiên nhiên ưu đãi, đất bị nhiễm phèn, mặn dẫn đến khó có cây trồng nào thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất này ngoài cây lúa. Tuy nhiên, có một người nông dân đã dám nghĩ dám làm, đưa về vùng đất phèn mặn này một loại cây khác và với những nổ lực tích cực của ông thì cây đã không phụ lòng người cho ra những mùa trái ngọt.
Người nông dân đó là Ông Nguyễn Hoài Nguyên ở ấp 5, xã Phước Tuy. Là một giáo viên dạy tiểu học suốt ngày chỉ gắn bó với sách vở, bụt giảng nhưng ông lại có một niềm đam mê về làm nông đặc biệt là trong việc cải tạo vườn tượt trồng cây ăn quả. Nhìn từng tấc đất vườn bị bỏ không mà lòng ông không thể nào yên được, trăn trở suy nghĩ cũng như tích cực nghiên cứu tìm hiểu về đặc tính của những loại cây ăn quả có thể thích nghi với vùng đất của địa phương. Cuối cùng ông đã chọn giống ổi lê Đài Loan để trồng thử nghiệm vì cây ổi cũng không kén đất trồng, chúng gần như thích ứng tốt với mọi loại đất, chỉ cần đất không ngập nước và có nước tưới vào mùa khô là được, ban đầu chỉ có 500m2 đất trồng với khoảng 50 gốc ổi chiết nhánh được ông tìm mua từ trung tâm giống cây trồng Miền Nam. Nhờ siêng năng, cần cù và tích cực tìm hiểu thông tin chăm sóc cây trên sách, báo và internet mà vườn ổi của ông phát triển tốt đem lại kết quả khả quan. Nắm bắt được nhu cầu thị trường đang có xu hướng yêu thích loại ổi Đài Loan này vì đặc tính quả ngọt, giòn và ruột ít đồng thời ổi còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như làm đẹp da, ngừa cao huyết áp, giảm ho, ngăn ngừa ung thư, điều trị bệnh tiểu đừơng,…nên ông đã mạnh dạn đổ thêm đất mở rộng diện tích trồng lên 0,4ha với hơn 600 gốc ổi.

Vườn ổi của ông Nguyễn Hoài Nguyên-ấp 5 xã Phước Tuy
Theo ông cho biết, ổi trồng 12 tháng là đã cho thu hoạch, bất cứ tháng nào, mùa nào ông đều có ổi cung cấp ra thị trường do ổi cho thu hoạch quanh năm, lứa này vừa hái xong thì lứa khác đã chuẩn bị thu hoạch tiếp. Chi phí đầu tư 1 lần duy nhất là 150 triệu đồng và có thể kéo dài thời gian thu hoạch lên đến trên 10 năm. Theo ông cho biết thì kinh nghiệm chăm sóc để cây khỏe mạnh thì cần phải thường xuyên tỉa cành, chỉ để lại những cành chính có khả năng mang trái và phải tỉa bỏ bớt trái khi vừa tượng hình để cây tập trung nuôi trái to, đẹp. Lứa ổi đầu tiên thì không nên để quá nhiều trái, vì cây lúc này còn non yếu nếu phải nuôi nhiều trái sẽ làm cây còi cọc và giảm tuổi thọ. Sau mỗi đợt thu hoạch thì cần cắt tỉa các cành già cõi, không còn khả năng mang trái để cây được phục hồi cũng như tạo không gian thong thoáng để cây nhận đủ ánh nắng, hạn chế sâu bệnh. Ổi của ông được bán lẻ hoặc bỏ mối cho các cơ sở buôn bán tại địa phương với giá bình quân 10.000đồng/kg thì một năm ông thu lãi từ việc bán ổi lên đến trên 50 triệu đồng cao hơn gấp nhiều lần so với làm lúa.
Bằng sức lao động cần cù chịu khó tìm tòi nghiên cứu và dám nghĩ dám làm, Ông Nguyễn Hoài Nguyên xứng đáng là một tấm gương điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và thay đổi cách nghĩ của nhiều người "Đất Phước Tuy chỉ trồng được cây lúa".
Tuyết Giang
Tuyết Giang-xã Phước Tuy